Thế nào là Lãng mạn cùng các nền văn hoá?


Năm 2008, khi đọc cuốn sách Lãng du trong văn hoá Việt Nam của nhà văn hoá Hữu Ngọc, tôi nảy sinh ý định phải có 1 blog để chia sẻ niềm yêu thích tìm hiểu và sưu tầm kiến thức về các nền văn hoá của mình, nên cứ nghĩ mãi về tên blog nhỏ này. Rồi 1 ngày cái tên blog xuất hiện trong suy nghĩ, và tôi cứ thích thú, ngâm cứu về nó mãi.

Chỉ có điều để thực hiện project cá nhân bé xinh này, đến tận năm 2010 này mới có thể tiến hành được. Blog sẽ đăng tải những bài viết tôi tự thực hiện, những bài sưu tầm, chọn lọc về các kiến thức văn hoá, những câu chuyện thú vị về văn hoá và đời sống sinh hoạt của các quốc gia. Tuy nhiên vì là blog cá nhân, những kiến thức mà blog đăng tải sẽ chỉ xoay quanh những địa danh, con người, những quốc gia, những nền văn minh mà tôi đặc biệt quan tâm và yêu mến. Hình ảnh được lấy từ google, những trang chia sẻ hình public. Tôi sẽ hạn chế tối thiểu những hình ảnh không được quyền copy. Nếu bạn thấy có những thông tin nào chưa chuẩn xác, hay những hình ảnh cùng thông tin chưa phù hợp hoặc không được quyền lấy *vì có thể hình ảnh nằm trên hệ thống ngôn ngữ ngoài tiếng Việt (hay tiếng Anh) mà tôi không nắm rõ, xin vui lòng để lại comment để giúp tôi hoàn thiện và chỉnh sửa cho hợp lý.
Cảm ơn vì đã theo dõi và ủng hộ ^^

Trân trọng.
Hà Yên.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Uchiwa - chiếc quạt tròn Nhật Bản

Sự nóng nực của mùa hè sẽ được xua tan bằng làn gió mát từ những chiếc quạt Uchiwa kiểu Nhật.

Được sử dụng phổ biến tại Nhật Bản nhưng các bạn biết không, uchiwa lại có bắt nguồn từ Trung Quốc đấy nhé. Phải đến thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên thì loại quạt này mới có mặt tại Nhật Bản.




(Uchiwa trong màu sắc rực rỡ quen thuộc)



Ban đầu, chỉ có các gia đình quý tộc hay hoàng gia mới sử dụng những chiếc quạt có dáng vẻ thanh mảnh tao nhã này. Thời kỳ này uchiwa có hình vuông. Họa tiết trang trí ngày đó thường là vẽ những mẫu đồ vật được sử dụng trong các nghi thức truyền thống. Người ta sử dụng uchiwa để biểu diễn trong tiệc trà, các vở kịch Noh hay các nghi lễ trang trọng khác.



(một mẫu trang trí uchiwa theo phong cách cổ điển)


Từ thế kỷ 17 nó mới có hình tròn như ngày nay. Cũng kể từ đó thì uchiwa được sử dụng phổ biến trong cuộc sống đời thường như nhảy múa trong lễ hội, quạt mát và cả...quạt bếp nữa chứ ^_^



(Haiz. Chiếc Uchiwa xinh xắn này được đặt trên một cái xô tắm kiểu Nhật,

cái này cũng sẽ được giới thiệu vào một dịp không xa đó nha!)




(Uchiwa được sử dụng trong một trò chơi náo nhiệt tại lễ hội.

Trò này tên là "uchiwatori", nghĩa là "tay không bắt quạt".

Vui nổ trời luôn nhưng mà giành quạt cẩn thận kẻo bị xây xước nhé >_<)


Lý do mà Uchiwa được xếp vào danh sách các biểu tượng mùa hè là bởi vì công dụng “tạo gió” biến nó trở thành một vật dụng được sử dụng nhiều nhất trong cái mùa oi bức này. Ngoài ra cũng còn vì nó gắn bó với các điệu nhảy trong lễ hội mùa hè Bon Odori (Lễ Vu Lan của người Nhật được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm). Hình ảnh những cô gái mặc yukata có màu sắc sặc sỡ cầm chiếc quạt Uchiwa đã trở thành một hình ảnh thân thương gắn bó với mỗi mùa hè của người Nhật.





(Các thiếu nữ duyên dáng với yukata cùng uwachi tại lễ hội)



Điều thú vị của chiếc quạt Uchiwa là nó là một sản phẩm được làm bằng tay từ A-Z, bao gồm thân làm từ tre và đầu quạt được làm từ vải hoặc giấy có trang trí. Phần nan quạt được làm từ loại tre vót rất mảnh và có tính đàn hồi chứ không dễ gãy như một số loại quạt giấy mà chúng ta hay sử dụng.











(Các cửa hiệu bày bán Uchiwa ở Nhật)


Người ta sử dụng giấy washi (một loại giấy truyền thống có hoa văn rất đẹp) để tạo nên phần đầu quạt song phổ biến hơn cả là dùng loại vải hoa (vải cotton thường dùng để may các bộ yukata) nên hoa văn trên quạt cũng rất phong phú. Các mẫu vải hoa dùng để tạo ra quạt uchiwa thường có hoạt tiết hình chuồn chuồn, chuông gió, bông lúa, cỏ lau, hoa bìm bìm…Chúng đều là những hình ảnh thân quen của mùa hạ không chỉ của Nhật Bản mà còn đối với chúng ta nữa phải không bạn?



(Dòng họ ninja Uchiha trong serie anime nổi tiếng Naruto cũng được lấy từ loại quạt uchiwa này đó. Cái biểu tượng sau áo của anh chàng Sasuke đích thị là một cây quạt Uchiwa truyền thống rồi!)



Có 3 vùng nổi danh với kỹ thuật làm quạt uchiwa, đó là tại cố đô Kyoto, thành phố Tateyama của tỉnh Chiba và thành phố Marugame của tỉnh Kagawa (ở Marugame còn có cả bảo tàng quạt Uchiwa nữa nhé). Những chiếc quạt sản xuất từ các vùng này luôn có vẻ độc đáo hơn cả, có lẽ bởi phong cách trang trí trên chiếc quạt.



(một nghệ nhân vùng Tateyama đang tập trung làm việc)




(Còn đây là Uchiwa do mấy bé "nghệ nhân" học mẫu giáo làm nè. Kawaii neh >_<)


Ngành sản xuất quạt uchiwa từng là một trong những ngành thủ công phát triển cực thịnh tại Nhật Bản, đặc biệt là vào khoảng thể kỷ 17 – 19. Ngày nay, phần lớn xưởng sản xuất thường nhập các thân quạt bằng nhựa có xuất nguồn từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, chúng ta cũng thường bắt gặp loại quạt uchiwa được sản xuất theo kiểu này. Và càng ngày, khi mà cuộc sống hiện đại cứ cuốn người ta đi nhanh hơn khiến Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam đều phải đối mặt với việc mai một dần những sản phẩm truyền thống mang đầy tính văn hóa của mình.




Liệu đó chỉ là một trong những xung đột nhỏ bé giữa truyền thống và hiện đại khi mà vẫn còn có rất nhiều những người trẻ yêu mến những nét đẹp truyền thống của quốc gia mình. Bởi uchiwa không chỉ có vai trò của một biểu tượng mùa hè mà đó còn là một biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại cũng như để gắn kết các thế hệ khi họ cùng hòa mình trong điệu nhảy rộn rã của lễ hội mùa hè.




(Già, trẻ, lớn, bé...nào ta cùng nhảy với Uchiwa!)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét