Thế nào là Lãng mạn cùng các nền văn hoá?


Năm 2008, khi đọc cuốn sách Lãng du trong văn hoá Việt Nam của nhà văn hoá Hữu Ngọc, tôi nảy sinh ý định phải có 1 blog để chia sẻ niềm yêu thích tìm hiểu và sưu tầm kiến thức về các nền văn hoá của mình, nên cứ nghĩ mãi về tên blog nhỏ này. Rồi 1 ngày cái tên blog xuất hiện trong suy nghĩ, và tôi cứ thích thú, ngâm cứu về nó mãi.

Chỉ có điều để thực hiện project cá nhân bé xinh này, đến tận năm 2010 này mới có thể tiến hành được. Blog sẽ đăng tải những bài viết tôi tự thực hiện, những bài sưu tầm, chọn lọc về các kiến thức văn hoá, những câu chuyện thú vị về văn hoá và đời sống sinh hoạt của các quốc gia. Tuy nhiên vì là blog cá nhân, những kiến thức mà blog đăng tải sẽ chỉ xoay quanh những địa danh, con người, những quốc gia, những nền văn minh mà tôi đặc biệt quan tâm và yêu mến. Hình ảnh được lấy từ google, những trang chia sẻ hình public. Tôi sẽ hạn chế tối thiểu những hình ảnh không được quyền copy. Nếu bạn thấy có những thông tin nào chưa chuẩn xác, hay những hình ảnh cùng thông tin chưa phù hợp hoặc không được quyền lấy *vì có thể hình ảnh nằm trên hệ thống ngôn ngữ ngoài tiếng Việt (hay tiếng Anh) mà tôi không nắm rõ, xin vui lòng để lại comment để giúp tôi hoàn thiện và chỉnh sửa cho hợp lý.
Cảm ơn vì đã theo dõi và ủng hộ ^^

Trân trọng.
Hà Yên.

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Khám phá một đền thờ Thần Đạo (p.1)

Đền thờ Thần Đạo (Shinto shrine) giờ đây không còn xa lạ đối với những người quan tâm tới văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, để chủ đề “đền chùa” không còn khô khan với đa số chúng ta thì Ichi sẽ bắt đầu bằng việc giới thiệu một số chi tiết nhỏ gắn liền với đền thờ Nhật mà chúng ta vẫn thường gặp khi xem anime, manga nhé!



Phần 1: Hãy viết điều ước của bạn lên Ema và cầu nguyện




Có một hình ảnh xuất hiện không dưới 5 lần trong manga Đồng Hồ Cát hấp dẫn bạn Ichi quá. Thế là ngay lập tức bạn ấy quyết tâm phải khám phá nó và giới thiệu với các bạn độc giả thân mến của mình. Không biết vật đó là gì vậy nhỉ?


Ema – những thẻ ước kỳ diệu!



Tới đền chùa để cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và bạn bè là một trong những phong tục phổ biến của người dân ở hầu hết các quốc gia theo đạo Phật. Riêng tại Nhật Bản, sự kết hợp của đền thờ Thần Đạo với tâm thức Phật giáo biến một số phong tục tại quốc đảo này mang màu sắc hòa trộn bởi hai đạo giáo trên.

Và một trong những hình ảnh thể hiện sự kết hợp thú vị ấy chính là những thẻ ước mà người Nhật quen gọi là Ema.


(Ở các đền thờ, Ema được treo xếp chồng như vậy cả năm nè)


Ema (絵馬) là một tấm thẻ gỗ rất thường gặp tại các đền thờ Thần đạo của Nhật Bản. Người ta cho rằng, khi viết lên một tấm Ema điều ước nguyện của bạn và thành tâm treo lên khu vực treo Ema tại đền thờ thì thần linh sẽ nghe thấy những nguyện ước đó và biến chúng thành sự thực cho bạn. Đó là lý do mà ở Nhật khi người ta tới đền, chùa để cầu phúc lành đầu năm, hay cầu xin may mắn cho những kỳ thi quan trọng, cầu duyên…họ thường tranh thủ viết điều ước của mình lên những tấm thẻ ước Ema.


(Cái Ema trái tim ghi là "ước gì mình được hẹn hò với Yoko!" đó.

Dễ thương quá!)


Khởi nguồn của những tấm thẻ ước Ema khá thú vị. Do ngày xưa người ta thường đem dâng ngựa cho đền để cầu xin may mắn nhưng rồi dần dần, tục lệ này đã được đơn giản hóa hơn mà thay vào đó là việc gửi lại cho đền thờ “ngựa vẽ” trên những tấm thẻ gỗ. Phong tục viết thẻ ước tại đền thờ Thần Đạo được xác minh là bắt đầu từ thời kỳ Nara (vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên).




(Ema hình trái tim xinh chưa nè >_<)

Vào thế kỷ 14 sau Công Nguyên (thời kỳ Muromachi), người ta còn trang trí lên Ema rất nhiều những hình vẽ động vật hay hoa văn trang trí khác. Ema thời kỳ đầu có sự ảnh hưởng sâu sắc của phong cách dân gian nên họa tiết thường đơn giản. Những tấm Ema sau này được vẽ theo trường phái Ukyo, một trường phái tranh khắc gỗ nổi tiếng của thời kỳ Edo.


(Bạn này học Violon nên có cái Ema vẽ hình cây đàn ngộ ghê chưa!)

Ema có rất nhiều hình dạng, song hình dáng thông thường ta hay gặp là hình ngũ giác. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mỗi đền thờ mà lại có những tấm thẻ ước có hình dáng độc đáo của riêng họ. Một mặt của Ema được trang trí bằng hình vẽ, họa tiết màu sắc còn một mặt để viết điều ước. Sau đó tất cả những Ema đã được viết điều ước sẽ được treo lên một giá gỗ và đặt tại khu vực sân trước hay bên hông của đền thờ.


(Tạm dịch điều viết trên Ema này nha: "Dù cho sau này chúng ta có già đi

thì ngay bây giờ mình cứ ôm thật chặt và hôn nhau em nhé!)




Không như cô bạn An trong Đồng Hồ Cát hay nghĩ rằng “điều ước thì chỉ có một”. Ichi thì cho rằng, những nguyện cầu may mắn và tốt lành cho người thân và bạn bè hãy có thật nhiều, thật nhiều hơn nữa. Bởi chỉ cần ta luôn thành tâm cầu nguyện và tin tưởng thì một ngày nào đó, những điều ước nhất định cũng sẽ thành hiện thực.


(Mẹ của An đang tìm tấm thẻ ước thời trẻ của mình)


(Tấm thé ước "tình iu" của An dành cho Daigo)


Như điều ước của An đã viết vào lúc 12 tuổi, rằng: “cầu mong mình có thể cùng Daigo đi suốt, suốt cuộc đời này”. Và vào năm 26 tuổi, cuối cùng An cũng đã kết hôn với người con trai mà cô yêu thương trong suốt 14 năm qua. Điều ước của tuổi 12 giờ đây cũng đã thành hiện thực đó thôi. Vậy thì chỉ cần chúng mình viết những ước nguyện lên những tấm thẻ Ema và cầu nguyện thật chân thành thì điều kỳ diệu sẽ đến thôi bạn nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét